Cây Thiết mộc lan là một trong những
loài cây chủ đạo trong trang trí nội thất văn phòng, nhà ở. Với sức sinh trưởng,
khả năng thích nghi tốt với điều kiện trong nhà, và hơn thế nữa loài cây này có
ý nghĩa rất tốt trong phong thuỷ, bởi vậy cây Thiết mộc lan rất được yêu thích,
lựa chọn để làm quà tặng trong dịp khai trương, thăng chức, tặng sếp...
Tuy nhiên, trong quá trình bày trí nội
thất một hiện tượng rất hay xảy ra khiến nhiều người không am hiểu về kỹ thuật
chăm sóc cây thiết mộc lan sẽ rất lo lắng và nghĩ rằng cây sinh trưởng kém, đó
là cây bị vàng lá, khô mép lá.
Để có biện pháp kỹ thuật đúng cho việc
chữa trị hiện tượng vàng lá, khô mép lá thì cần xem xét từng nguyên nhân cụ thể:
1. Về yếu tố vị trí đặt
Cây Thiết mộc lan thích nghi tốt với điều
kiện văn phòng, tuy nhiên thời gian đầu khi mới đưa cây vào bày trí các yếu tố
xung quanh sẽ ảnh hưởng nhất định đến cây, do vậy cần có sự chăm sóc cẩn thận
hơn một chút, sau một thời gian cây ổn định thì chúng có thể sống xanh tốt đến
4 5 năm.
- Ánh sáng: Không đặt cây ở phòng kín,
thường xuyên tối. Đặt cây ở vị trí gần cửa, thoáng, nếu có ánh sáng bên ngoài
chiếu vào càng tốt. Đây là yếu tố giúp cây không bị cháy khô, hoặc vàng mép lá.
- Không khí: Nếu đặt ở vị trí hướng gió
điều hoà sẽ làm cây bị táp lá, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh trưởng chung của
cây. Nếu trong phòng hẹp nên thường xuyên mở cửa để không khí trao đổi giúp cây
không bị “ngạt”.
2. Về yếu tố nước
Tưới cây lượng vừa đủ làm ẩm đất, có thể
dùng tay trực tiếp xem đất có quá khô hay quá ướt. Nếu tưới nhiều nước làm úng
rễ sẽ dẫn đến thối gốc, thân và vàng lá rất nhanh. Kiểm tra thân cây bằng cách
bóc một ít lớp vỏ xem còn màu xanh hay thân đã bị chuyển màu nâu, đen để biết
cây có khả năng sống nữa không. Lượng nước tưới thường từ 150-200ml nước/lần và
2-3 lần/tuần. Nếu cây vàng lá do úng nước cần dừng tưới và xới xáo đất tạo độ
thoáng khí giúp rễ hô hấp.
3. Về yếu tố dinh dưỡng
Khi cây vàng lá theo kiểu lá non mới lên
nhợt nhạt, hơi vàng thì cây đang thiếu chất dinh dưỡng cần được bổ sung ngay. Có
thể sử dụng phân bón phun lên lá hoặc bón vào gốc cây dạng viên hoặc hoà tan
vào nước tưới. Thường sau thời gian sử dụng cây khoảng 3 tháng thì cây cần được
bổ sung dinh dưỡng định kỳ, ngoài ra cũng nên chú ý thêm việc bổ sung đất cho
cây nếu có hiện tượng sụt đất, đất trơ.
3. Về yếu tố sâu bệnh hại
Khi bị vàng lá do rệp (màu trắng bám mặt
dưới lá) cần mua thuốc trừ rệp, lau sạch lá thường xuyên để giết rệp. Chú ý các
cây xung quanh, không đặt gần các cây Bạch mã, Ngân hậu, dễ bị lây lan các loại
rệp hại lá.
Lá vàng, đốm đen, thối búp lá, nếu kiểm
tra thân cây vẫn xanh có thể cắt phần ngọn dưới nhánh bị thối và xử lý bằng
vôi, đợi cây bật chồi mới.
Bệnh hại do nấm, vi khuẩn từ đất hại rễ
làm thối rễ dẫn đến cây chết. Nếu phát hiện sớm (có thể kiểm tra bằng cách xới
đất lên xem dưới gốc cây có bị thối ướt và có mùi thối, rễ thối nhũn) chuyển chậu,
thay đất, sử dụng thuốc trừ nấm, kích thích ra rễ để tưới vào gốc cây giúp cây
hồi phục. Tuy nhiên, cây thường khó chữa trị do điều kiện trong chậu và đặt
trong nhà.
Xem thêm về Cây Thiết mộc lan tại đây.