Show Mobile Navigation

Cây cảnh Ánh Dương

Chia sẻ Facebook và G+1 là văn hoá tốt

ky-thuat-cham-soc-cay-noi-that
Hiển thị các bài đăng có nhãn ky-thuat-cham-soc-cay-noi-that. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ky-thuat-cham-soc-cay-noi-that. Hiển thị tất cả bài đăng

23 thg 11, 2016

Cách chăm sóc cây Kim ngân thuỷ sinh không bị vàng lá, thối rễ

Unknown - 23:30
Cây Kim ngân thuỷ sinh hiện đang là cây cảnh để bàn được yêu thích nhất bởi cây có tán lá đẹp, xanh đậm, lá cây mang ý nghĩa phong thuỷ rất tốt, tượng trưng cho ngũ hành nên tạo được sự cân bằng trong phong thuỷ, mang lại sự may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Cây Kim ngân thuỷ sinh có tán đẹp, màu lá xanh đậm, tốt cho phong thuỷ
Cây Kim ngân thuỷ sinh được yêu thích còn bởi cây sinh trưởng tốt, không cần chăm sóc quá cầu kỳ, tuy nhiên không phải ai cũng am hiểu cách chăm sóc cây để cây được xanh tốt, phát triển lâu bền.
Và một trong những hiện tượng thường gặp nhất trong quá trình chăm sóc cây Kim ngân thuỷ sinh là hiện tượng vàng lá, thối rễ.

Chúng tôi xin có một số chia sẻ kinh nghiệm với các bạn về vấn đề này như sau:
Về hiện tượng cây Kim ngân thuỷ sinh vàng lá, thối rễ: nguyên nhân chủ yếu là do loài cây thuỷ sinh này được chuyển từ cây trồng đất sang cây trồng nước, các rễ cây cũ đã không thích nghi được môi trường nước hoàn toàn nên sau một thời gian yếu dần và thối, các rễ mới sinh ra ít và không đủ sức nuôi cây nên theo đó lá sẽ bị vàng. Tuỳ theo sức khoẻ của rễ cây sẽ khiến lá vàng nhiều hay ít. Một nguyên nhân khác nữa là cây bị bệnh gây thối gốc, các bạn có thể xem thêm ở bài Nguyên nhân cây Kim ngân thuỷ sinh bị thối gốc và cách chữa bệnh.

Ở bài này chúng tôi muốn nói đến hiện tượng tự nhiên, thường xảy ra nhất trong quá trình chăm sóc cây Kim ngân thuỷ sinh.
Vậy bạn có cần quan tâm không, câu trả lời là có. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, hãy chú ý một số việc cần làm dưới đây, đảm bảo bạn sẽ có một bình cây Kim ngân thuỷ sinh đẹp và sống rất lâu bền.

Thay nước thường xuyên: Đây là công việc cần thiết với không chỉ cây Kim ngân mà còn với tất cả các cây thuỷ sinh khác, để loại bỏ chất bẩn tiết ra trong nước và nguy cơ vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt là có thể sản sinh ra muỗi nữa. Thời gian là 5-7 ngày thay nước 1 lần. Rửa trôi những rễ cây mềm nhũn, thối.
Lượng nước trong bình cây: Với cây Kim ngân thuỷ sinh chúng ta cần chú ý tới gốc cây, không cho nước ngập chạm đến phần gốc thân gỗ.

Dinh dưỡng bổ sung cho cây Kim ngân thuỷ sinh có thể sử dụng hoà tan trong bình nước hoặc phun qua lá: phân Đầu trâu, Bio life, ngoài ra đặc biệt chú ý bổ sung dung dịch kích thích ra rễ, nảy chồi giúp cây nhanh ra rễ mới và chồi lá, như vậy cây sẽ ổn định, không bị vàng lá, sinh trưởng tốt, sống khoẻ và lâu bền.
Chúc các bạn có một bình cây Kim ngân thuỷ sinh đẹp như ý.

Xem thêm: Cây Kim ngân thuỷ sinh đẹp giá chỉ từ 150k

Cây cảnh Ánh Dương
Hotline: 0919831002
Email: caycanhanhduong.hn@gmail.com

16 thg 11, 2016

Ý nghĩa và cách chăm sóc cây Phú quý để bàn

Unknown - 14:03
Cây Phú quý để bàn từ lâu đã được lựa chọn là cây cảnh để bàn đẹp trang trí trong phòng làm việc, nhà ở, quán cafe, ... bởi vẻ đẹp toàn diện từ bên ngoài đến ý nghĩa ẩn chứa bên trong cái tên của loài cây này.
Cây Phú quý có màu sắc lá đẹp và tán xum xuê
Cây Phú quý để bàn có thân màu trắng hồng, lá cây xanh bóng, lá càng già viền lá có màu đỏ tía rất đẹp. Cái tên Phú quý mang ý nghĩa của sự giàu sang và sự cầu tiến trong cuộc sống. Trong phong thủy, loài cây này mang lại sự may mắn, tốt lành. Ngoài ra, cây Phú quý được NASA đánh giá là có tác dụng lọc sạch không khí, hấp thụ chất hữu cơ dễ bay hơi gây bệnh cho con người và giảm khói bụi.
Cây Phú quý để bàn có màu lá đỏ đậm khi được chiếu sáng nhiều
Cây Phú quý để bàn với vẻ đẹp nổi bật của lá cây là một lựa chọn thích hợp nhất cho trang trí nội thất sang trọng, sẽ là điểm nhấn cho nơi có mặt chúng.
Cây Phú quý có thể trồng đất hoặc thủy sinh, với bộ rễ to khỏe thành chùm, cây sinh trưởng nhanh, thích hợp môi trường ánh sáng ít hoặc ánh sáng tán xạ, chiều cao cây từ 30-40cm.

Cách chăm sóc cây Phú quý để bàn:
Cây Phú quý trồng đất.
Cây Phú quý để bàn có chiều cao 30-35cm
Cây Phú quý trồng trong chậu có kích thước phù hợp để bộ rễ phát triển vì cây sinh trưởng nhanh. Đặt cây Phú quý ở vị trí gần cửa sổ, tránh hướng Tây, chọn vị trí có nhiều ánh sáng nhất, hoặc nếu trong phòng thiếu ánh sáng thì cần thêm ánh đèn điện để cây có đủ thời gian quang hợp. Nếu cây ở vị trí tối quá lâu sẽ bị khô táp mép lá. 
Chế độ tưới nước cho cây vừa đủ, không tưới nhiều nước quá làm đất ướt và nước chảy nhiều ra ngoài chậu. Thường thì chúng ta có thể để ý thấy đất ẩm, sờ tay thấy tơi xốp là được. Một tuần có thể tưới 2-3 lần tùy mùa hanh, mùa mưa, mỗi lần 1 cốc nhỏ khoảng 100ml nước.
Thường xuyên lau lá nếu thấy bụi bám nhiều trên lá, tỉa bỏ lá vàng già úa.
Bón thêm phân bón NPK dạng viên hoặc dạng phun qua lá, 3-4 tháng 1 lần.

Cây Phú quý thủy sinh
Cây Phú quý thủy sinh có bộ rễ trắng, thành chùm
Cây Phú quý thủy sinh được trồng hoàn toàn trong môi trường nước, vì vậy trong quá trình chăm sóc cần bổ sung dinh dưỡng hòa tan vào nước cho cây. Chú ý mỗi tuần thay nước một lần, lắc nhẹ và đổ nước đi, kiểm tra có rễ bị thối thì rửa sạch, loại bỏ. Mực nước trong bình nên để ngập 1/3 bộ rễ để tránh rễ cây bị thối.

Cây Phú quý để bàn là loài cây lá màu nên sắc tố sẽ đậm lên nếu được chiếu sáng nhiều. Vì vậy nên đưa cây ra ngoài ánh sáng mặt trời 1 lần 1 tuần, vào lúc ánh nắng nhẹ khoảng 2 tiếng mỗi lần.


Cây cảnh Ánh Dương
Hotline: 0919831002
Mail: caycanhanhduong.hn@gmail.com


9 thg 11, 2016

Chăm sóc cây Hồng môn ra hoa quanh năm

Unknown - 14:42
Cây Hồng môn là loài cây cảnh nội thất, cây để bàn rất đẹp với màu lá xanh đậm, bản lá to, hoa màu hồng hoặc đỏ rất nổi bật. Ngoài vẻ đẹp sang trọng của cây, Hồng môn - loài hoa mang hình trái tim đầy ý nghĩa tượng hình, loài hoa của sự yêu thương chân thành giữa người với người. Chính bởi vẻ đẹp từ hình thái, màu sắc cho đến ý nghĩa sâu sắc mà hoa Hồng môn được rất nhiều người lựa chọn để bày trí tại những vị trí đẹp trong ngôi nhà, trên bàn làm việc hay là món quà đầy tình yêu thương tới những người thân yêu.
Tuy nhiên sau một thời gian hoa sẽ tàn và có thể có những đợt hoa khác nhưng hoa nhỏ, màu nhạt không được như ý. Và bạn luôn muốn giữ những cây Hồng môn nở hoa khoe sắc rực rỡ suốt bốn mùa như lúc mới mua cây về. Chúng tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây Hồng môn để cây luôn xanh tốt và ra hoa quanh năm.
Cây Hồng môn là loài cây sinh trưởng trung bình và ưa bóng râm bán phần, cây liên tục đẻ nhánh và cây con nên cần nhiều dinh dưỡng để nuôi cây. Nếu cây trồng trong chậu thì chú ý sang chậu kích thước to hơn để cây luôn đủ đất và các nhánh mới lên phát triển tốt, không bị còi cọc. Trong thời gian sau khi chơi một đợt hoa, các lá già sẽ xuất hiện nhiều và cây thiếu hụt dinh dưỡng, sử dụng phân bón lá Đầu trâu 501 kết hợp xới xáo đất xung quanh gốc.
Sau thời gian được bón đầy đủ dinh dưỡng, cây sinh trưởng mạnh, lá xanh bóng, và đủ sức cho một đợt hoa mới. Thời gian này nên hãm lại một chút việc sinh trưởng để chuyển qua giai đoạn phát triển (ra hoa). Bằng cách xới xáo đất kết hợp phân bón Đầu trâu 701 kích thích ra hoa. Việc xới xáo đất là quan trọng để giúp cây Hồng môn ra hoa nên chú ý xới xáo nhẹ nhàng lớp đất mặt.
Sau khi cây Hồng môn ra hoa, bạn có thể sử dụng thêm Đầu trâu 901 để dưỡng hoa có màu sắc đẹp và lâu tàn hơn.
Một chú ý trong quá trình chăm sóc cho cây Hồng môn là không kết hợp sử dụng cùng lúc phân bón lá và phân bón vào đất.
Trên đây là một số kinh nghiệm nho nhỏ khi bạn chăm sóc cây Hồng môn giúp cây ra hoa quanh năm và có những bông hoa đẹp như ý. Ngoài ra việc tưới cây, cắt tỉa, chú ý sâu bệnh bạn vẫn phải quan sát và thực hiện thường xuyên để cây có thể sinh trưởng tốt nhất. Chúc các bạn có chậu hoa Hồng môn đẹp.


Cây cảnh Ánh Dương
Hotline: 0919831002
Mail: caycanhanhduong.hn@gmail.com

20 thg 9, 2016

Chăm sóc cây Thiết mộc lan bị vàng lá trong văn phòng

Unknown - 01:50
Cây Thiết mộc lan là một trong những loài cây chủ đạo trong trang trí nội thất văn phòng, nhà ở. Với sức sinh trưởng, khả năng thích nghi tốt với điều kiện trong nhà, và hơn thế nữa loài cây này có ý nghĩa rất tốt trong phong thuỷ, bởi vậy cây Thiết mộc lan rất được yêu thích, lựa chọn để làm quà tặng trong dịp khai trương, thăng chức, tặng sếp...
cây thiết mộc lan ghép

Tuy nhiên, trong quá trình bày trí nội thất một hiện tượng rất hay xảy ra khiến nhiều người không am hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây thiết mộc lan sẽ rất lo lắng và nghĩ rằng cây sinh trưởng kém, đó là cây bị vàng lá, khô mép lá.

Để có biện pháp kỹ thuật đúng cho việc chữa trị hiện tượng vàng lá, khô mép lá thì cần xem xét từng nguyên nhân cụ thể:

1. Về yếu tố vị trí đặt
cây thiết mộc lan gốc

Cây Thiết mộc lan thích nghi tốt với điều kiện văn phòng, tuy nhiên thời gian đầu khi mới đưa cây vào bày trí các yếu tố xung quanh sẽ ảnh hưởng nhất định đến cây, do vậy cần có sự chăm sóc cẩn thận hơn một chút, sau một thời gian cây ổn định thì chúng có thể sống xanh tốt đến 4 5 năm.
- Ánh sáng: Không đặt cây ở phòng kín, thường xuyên tối. Đặt cây ở vị trí gần cửa, thoáng, nếu có ánh sáng bên ngoài chiếu vào càng tốt. Đây là yếu tố giúp cây không bị cháy khô, hoặc vàng mép lá.
- Không khí: Nếu đặt ở vị trí hướng gió điều hoà sẽ làm cây bị táp lá, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh trưởng chung của cây. Nếu trong phòng hẹp nên thường xuyên mở cửa để không khí trao đổi giúp cây không bị “ngạt”.

2. Về yếu tố nước
cây thiết mộc lan ghép

Tưới cây lượng vừa đủ làm ẩm đất, có thể dùng tay trực tiếp xem đất có quá khô hay quá ướt. Nếu tưới nhiều nước làm úng rễ sẽ dẫn đến thối gốc, thân và vàng lá rất nhanh. Kiểm tra thân cây bằng cách bóc một ít lớp vỏ xem còn màu xanh hay thân đã bị chuyển màu nâu, đen để biết cây có khả năng sống nữa không. Lượng nước tưới thường từ 150-200ml nước/lần và 2-3 lần/tuần. Nếu cây vàng lá do úng nước cần dừng tưới và xới xáo đất tạo độ thoáng khí giúp rễ hô hấp.

3. Về yếu tố dinh dưỡng
cây thiết mộc lan gốc

Khi cây vàng lá theo kiểu lá non mới lên nhợt nhạt, hơi vàng thì cây đang thiếu chất dinh dưỡng cần được bổ sung ngay. Có thể sử dụng phân bón phun lên lá hoặc bón vào gốc cây dạng viên hoặc hoà tan vào nước tưới. Thường sau thời gian sử dụng cây khoảng 3 tháng thì cây cần được bổ sung dinh dưỡng định kỳ, ngoài ra cũng nên chú ý thêm việc bổ sung đất cho cây nếu có hiện tượng sụt đất, đất trơ.

3. Về yếu tố sâu bệnh hại
Khi bị vàng lá do rệp (màu trắng bám mặt dưới lá) cần mua thuốc trừ rệp, lau sạch lá thường xuyên để giết rệp. Chú ý các cây xung quanh, không đặt gần các cây Bạch mã, Ngân hậu, dễ bị lây lan các loại rệp hại lá.
Lá vàng, đốm đen, thối búp lá, nếu kiểm tra thân cây vẫn xanh có thể cắt phần ngọn dưới nhánh bị thối và xử lý bằng vôi, đợi cây bật chồi mới.


Bệnh hại do nấm, vi khuẩn từ đất hại rễ làm thối rễ dẫn đến cây chết. Nếu phát hiện sớm (có thể kiểm tra bằng cách xới đất lên xem dưới gốc cây có bị thối ướt và có mùi thối, rễ thối nhũn) chuyển chậu, thay đất, sử dụng thuốc trừ nấm, kích thích ra rễ để tưới vào gốc cây giúp cây hồi phục. Tuy nhiên, cây thường khó chữa trị do điều kiện trong chậu và đặt trong nhà.

Xem thêm về Cây Thiết mộc lan tại đây.

15 thg 6, 2015

Ý nghĩa và cách chăm sóc cây Vạn niên thanh cột xanh tốt

Unknown - 16:44
cây nội thất văn phòng đẹp
Cây vạn niên thanh cột
Cây vạn niên thanh: tên khoa học: Dieffenbachia seguine, thuộc họ Araceate Cây có tốc độ sinh trưởng nhanh. Đây là loài cây chịu bóng tốt, nhu cầu nước cao nên thích hợp làm cây trồng nội thấtcây thủy sinh.
Cây vạn niên thanh thường được sử dụng trong trang trí nội thất, văn phòng, mang lại sự sảng khoái và hưng phấn cho người lao động, tăng khả năng sáng tạo và tích cực trong công việc.
Cây vạn niên thanh có thể sống lâu năm xanh tốt, thân ngọn luôn vươn dài ra có thể để dạng rủ hoặc leo vào cột, mùa đông lá không héo úa nên được coi là loài cây cát tường, rất được ưa chuộng. Người chơi cây dùng cây này trong ngày lễ tết, khai trương là ngụ ý sung túc tốt đẹp, luôn thịnh vượng, trong việc hôn nhân là cầu chúc như ý, trong lễ mừng thọ là để chúc sống lâu. Cây vạn niên thanh thường đặt để tạo sơn, hóa giải sát khí hoặc thúc đẩy, kích hoạt sao Tứ Lục - chủ về khoa cử.
Làm đất, trồng cây vạn niên thanh cột
Trên thị trường có nhiều loại giá thể trồng cây đóng bao đã được phối trộn hỗn hợp đất, trấu,…Nếu bạn không có đất tại vườn có thể mua các loại giá thể này về và trồng cây, không cần bổ sung gì nữa. 
Nếu bạn muốn tự tay trộn giá thể, Cây cảnh Ánh Dương xin hướng dẫn công thức sau:
Đập đất nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại, tạp vụn rồi trộn trấu với tỷ lệ trấu 1/5 + đất 2/5 + 1/5 xơ dừa + 1/5 phân ủ. Trộn thêm phân lót lượng 100g cho 10 kg đất.
Đối với những cây cần ít nước hay những cây dễ bị thối gốc do nhiều nước thì trộn trấu và đất với tỷ lệ ½ (trấu sống + xơ dừa) + ½ đất( đất ủ 90% + Đất ruộng 10%).
Chọn chậu có đường kính lớn hơn ít nhất 3 lần đường kính bầu cây để rễ cây sinh trưởng tốt nhất và thời gian chơi cây được lâu.
Chọn những cây sinh trưởng, phát triển tốt, cây không bị sâu bệnh hoặc sâu bọ, nấm rầy phá hoại, cây không gẫy thân, lá hoặc cành nhánh và có màu sắc đặc trưng.
trồng cây vạn niên thanh cột như thế nào
Bầu cây Vạn niên thanh cột
Kỹ thuật trồng cây vạn niên thanh cột
Dùng mảnh lót bằng sành, sứ đậy kín chỗ thoát nước dưới đáy chậu.
Cho đất lót vào dưới đáy chậu, ước lượng để sau khi đặt bầu cây vào sẽ thấp hơn mặt chậu.
Sau đó đưa bầu cây vào giữa chậu, trồng sao cho cây thẳng đứng không bị nghiêng, tán đều quanh chậu.
Đổ đất vào và chèn quanh gốc cây, chậu sao cho vừa chặt, giữ cây vững chắc và thấp hơn miệng chậu 3-5cm để khi tưới nước đất không bị tràn ra ngoài gây bẩn.
Trồng cây xong tưới nước đủ ẩm.
chăm sóc cây vạn niên thanh cột như thế nào
Chậu cây vạn niên thanh cột hoàn chỉnh
Cách chăm sóc cây vạn niên thanh cột luôn xanh tốt

Nước: Tưới nước có độ ấm bằng nhiệt độ phòng. Mùa xuân, mùa hè cần phải tưới nhiều nước hơn, đất quá khô quá ẩm đều xuất hiện đốm trên lá. Cần phun thêm nước lên cột vì tại đây có nhiều rễ cây bám vào sẽ hút nước.

Bón phân: Trong thời kỳ sinh trưởng, cần bón phân đạm để cây nhanh lớn. Cây đã trưởng thành hạn chế bón phân để giữ cho hình dáng cây ổn định.

Đất: Phải tơi xốp, dùng đất trồng bình thường, khoảng 2 năm đảo chậu một lần, đồng thời loại bỏ những thân cây trụi lá để thúc đẩy ra chồi non. Phải luôn giữ độ ẩm cho đất.

Thường xuyên làm sạch lá, nhất là mặt dưới để tránh sự tấn công của sâu bọ. Để cây sinh trưởng, cần giữ ở nhiệt độ dưới 25 độ C.

Đốm lá: Khô hay ẩm quá đều gây đốm lá. Cần kịp thời loại bỏ lá hỏng, vào thời kỳ đầu cần phun Bordo Mix nồng độ 0,5%-1%.

Xem thêm: Chăm sóc cây Hồng môn ra hoa quanh năm

Cây cảnh Ánh Dương
Hotline: 0919831002
Mail: caycanhanhduong.hn@gmail.com


28 thg 5, 2015

Chăm sóc và duy trì cây cảnh văn phòng, cây nội thất

Unknown - 08:56

cách chăm sóc cây trong nhà,
Cây Đại phú gia
Hiện nay, cây xanh giữ một vai trò rất quan trọng đối với không gian sống của mỗi chúng ta. Chúng ta không chỉ trồng cây xanh quanh vườn mà còn đưa chúng vào nhà với rất nhiều tác dụng tốt cho không khí và thẩm mỹ. 
Rất nhiều toà nhà văn phòng không thể thiếu cây nội thất, các văn phòng làm việc nhân viên cũng rất vui khi có một chậu cây xanh ở góc phòng và họ chăm chút nâng niu để cây luôn xanh tốt, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về cây nội thất để có cách chăm sóc tốt nhất và duy trì cây được lâu dài trong phòng mình. 
Dưới đây cây cảnh Ánh Dương xin chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế đối với chăm sóc, duy trì cây nội thất, cây văn phòng: 
1. Về nhiệt độ với cây nội thất
Mỗi văn phòng làm việc, nhà ở có diện tích lớn nhỏ khác nhau, các hướng cửa sổ và chất liệu cửa sẽ tạo nên một ngưỡng nhiệt độ khác nhau, việc sử dụng điều hoà thường xuyên ở các văn phòng công sở với một diện tích quá nhỏ đều là những yếu tố chúng ta cần chú ý để lựa chọn loại cây và vị trí đặt phù hợp trước khi nghĩ đến chăm sóc. Nếu bạn chọn cây nội thất có sức sinh trưởng yếu thì những điều kiện quá bất lợi về nhiệt độ sẽ làm tuổi thọ của cây giảm đáng kể, dù bạn chăm sóc tốt đến đâu cây cũng khó duy trì được lâu bền. 
2. Về ánh sáng với cây nội thất
Vẫn là những đặc điểm của ngôi nhà, căn phòng: hướng cửa sổ, chất liệu cửa, và thêm tần suất chiếu sáng đèn điện sẽ quyết định sinh trưởng của cây nội thất.
Hướng cửa sổ là tây và đông sẽ có nhiều ánh sáng chiếu vào phòng hơn hướng nam, cửa kính ánh sáng xuyên qua vào phòng cũng nhiều hơn cửa gỗ, nhưng cũng liên quan đến việc làm tăng nhiệt độ, do vậy mùa nắng nóng không nên đặt cây gần sát cửa kính, tuy nhiên nếu có thể nên ưu tiên đặt cây ở vị trí hướng nắng cửa sổ chiếu tới, vào mùa ít nắng có thể thắp đèn điện thêm và cây có thể hấp thu ánh sáng nhân tạo, sau đó tăng cường di chuyển cây ra ngoài nơi không có ánh nắng trực tiếp vì cây đang trong nhà sẽ dễ bị sốc và héo, cháy lá…Ngoài ra, việc lựa chọn cây phù hợp với từng điều kiện ánh sáng cũng rất quan trọng.
3. Về độ ẩm với cây nội thất
Cần chú ý đến độ ẩm không khí trong phòng và độ ẩm chậu cây. Mùa đông không khí hanh khô nên bổ sung các loại xơ dừa, mùn cưa, rêu trên bề mặt chậu để giữ ẩm cho chậu cây. Các chậu cây nhỏ ít đất sẽ giữ ẩm kém nên tưới thường xuyên hơn các chậu cây to. 
4. Về phân bón với cây nội thất 
Cây nội thất sinh trưởng chậm và thường chúng ta không để ý hoặc không bao giờ bón phân cho cây. Tuy nhiên, cây nội thất vẫn cần được bón phân đầy đủ thông qua việc hoà tan vào nước tưới định kỳ hoặc xới xáo đất kết hợp bón phân chậm tan. 
5. Về nước tưới với cây nội thất 
Tưới cho cây nội thất lượng nước vừa đủ và 2-3 lần/tuần tuỳ loại cây. Nên tưới trực tiếp vào đất tránh phun lên lá vì cây trong nhà dễ bị nấm, bệnh hơn. Một số loại cây leo cột như vạn niên thanh, sa phia,…có thể tưới thêm lên cột vì rễ cây bám ở đó sẽ hút nước đầy đủ hơn.
6. Về cắt tỉa, lau lá cây nội thất 
Thường xuyên cắt tỉa các lá già, lá vàng, bị rách hay bị sâu bệnh hại để duy trì vẻ đẹp của chậu cây và kích thích cây sinh trưởng tốt.
Một số cây cành tán: trúc nhật, cau hawai, cau vàng,… có thể cắt tỉa cành nhánh tạo dáng đẹp hơn cho cây, tránh nhánh nhỏ lên nhiều rậm rạp quá gây sâu bệnh.
Lau lá thường xuyên để lá sạch bụi, vừa giữ vẻ đẹp vừa giúp lá quang hợp, hô hấp tốt hơn. 
7. Về triệu chứng sâu bệnh trên cây nội thất 
Lá vàng không phải là lá già: thường là vàng mép lá cho đến toàn bộ lá, do cây thiếu ánh sáng hoặc dinh dưỡng, nên đưa cây ra ngoài ánh sáng và bổ sung thêm phân bón, cắt tỉa những lá vàng để giữ thẩm mỹ cho cây.
Cành yếu cong, lá xanh nhạt hoặc hơi trắng: do cây thiếu ánh sáng trong thời gian dài, nên luân chuyển chậu cây ra ngoài nơi có nhiều ánh sáng, nhưng không có nắng trực tiếp, dùng dây buộc những cành lá cong để không bị gãy.
Khô cháy mép lá, toàn bộ lá: có thể do cây thiếu nước hoặc sâu rệp chích hút. Bổ sung nước và tìm xung quanh lá thân cây có các dạng sâu, rệp bám mặt dưới, hốc lá không và xử lý chúng.
Rụng lá nhiều: do cây thiếu nước hoặc chất dinh dưỡng, cần chú ý đến độ ẩm của đất và bổ sung thêm phân bón cho cây.
Thối nhũn ở gốc, rễ: bệnh thối nhũn làm cây chết dần, cần loại bỏ các nhánh, khóm cây bị thối ngay và thay đất, chậu cho cây, sau đó bổ sung thêm thuốc trị bệnh thối nhũn. Thường bệnh rất khó chữa nên bạn cần chú ý khi chọn cây ban đầu. 
Rệp sáp trắng trên lá: thủ công có thể xử lý bằng cách dùng khăn lau sạch và giết chết rệp, phun thuốc trị rệp, tuy nhiên khi phun phải đưa ra ngoài ánh sáng, có nắng.

Xem thêm: Chăm sóc cây thủy sinh để bàn

Hãy gọi tới Cây cảnh Ánh Dương để có thêm tư vấn tốt nhất cho bạn về chăm sóc cây cảnh văn phòng. Chúng tôi có dịch vụ chăm sóc, duy trì cây văn phòng định kỳ, quý khách có thể sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp của chúng tôi để yên tâm hơn về cây nội thất, cây văn phòng của mình.
Previous
Editor's Choice